Nghệ thuật Thiền Tông Thiền_tông

Nền nghệ thuật của Phật giáo khi truyền sang Phương Đông, đối với các phương diện văn hóa, tư tưởng, văn nghệ... của Trung quốc và Nhật bản có ảnh hưởng rất lớn, trong đó, đặc sắc nổi bật nhất là ảnh hưởng của Thiền tông đối với nền nghệ thuật của 2 nước này.

Tại Trung Quốc

Hai vị đại sư chùa Thiếu Lâm biểu diễn võ thuật

Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người đầu tiên truyền bá võ thuật Thiếu Lâm cho các nhà sư tại Chùa Thiếu Lâm và trở thành một trong những tinh hoa võ học ở Trung Quốc. Võ thuật Thiếu Lâm sử dụng các bài tập do Tổ Đạt Ma truyền dạy, về sau có kết hợp thêm các bài tập thể dục của Đạo Giáo và luyện Khí công. Công phu võ thuật thiếu lâm phát triển mạnh từ thế kỷ 12 và cũng được coi là một cách tu luyện tâm. Võ thuật Thiếu Lâm được đánh giá chung là mang tính trị liệu, tăng cường nội lực, sức khỏe, tuổi thọ và thực hành tu tập tâm linh.

Tranh họa của Thi Phật Vương Duy

Tư tưởng hàm súc, ngắn gọn, sắc bén, siêu nhiên độc lập của Thiền tông đã mở ra cho nền hội họa của Trung quốc 1 thứ họa phong Thiền với những nét chấm phá có khí vận đặc biệt. Trong khoảng thời gian 500 năm từ đời Đông Hán đến đời Lục triều, có các họa sĩ Trương Tăng Diêu, Cố Khải chi, Lục Thám Vi, Tông Thiếu Văn... là những người mở đường cho Mặc hí, Họa thiền.

Thiền họa chính thức bén rễ vào đời Đường, chia làm 2 trường phái Thiền họa chính là Nam Tông và Bắc Tông.

  1. Phái Bắc Tông: do cha con họa sĩ Lí Tư Huấn đứng đầu, nét vẽ chỉnh tề, tinh tế, màu sắc đậm đà, vừa trang nghiêm vừa diễm lệ.
  2. Phái Nam Tông: do nhà thơ, cư sĩ Vương Duy khởi xướng. Vương Duy là người sáng lập trường phái Bát mặc sơn thủy. Kế thừa trường phái này có họa sĩ Trương Tảo và Vương Mặc. Nét vẽ tĩnh mịch, nửa hư nữa thực

Đến đời Tống, Thiền họa đạt đến cảnh giới hư linh rỗng rang, tâm vật hợp làm một, phong cách vẽ siêu nhiên tượng ngoại, vận dụng những khoảng trống. Nghệ thuật được dùng để diễn đạt cảnh giới, kinh nghiệm giác ngộ, vắng lặng rỗng rang.

Sang đời Nguyên thì Thiền họa lấy nét tiêu sơ phóng khoáng làm thời thượng. Không những trong lĩnh vực hội họa và kĩ xảo hội họa được đầy đủ hơn mà còn kiến lập lí luận hội họa có tính cách hệ thống. Đến thời Minh- Thanh, Thiền tông bị suy tàn tại Trung Quốc, hội họa Thiền cũng dần lắng xuống. Hội họa thời kỳ này chủ yếu là dựa theo nền tảng của các thời trước, không có gì sáng tạo thêm, nhưng về mặt nghiên cứu, lý luận thì có phần sâu xa bao quát hơn.

Trong những thế kỷ gần đây, Thiền tông bị phai mờ và không phục hưng lại được nên nền nghệ thuật hội họa Thiền cũng vắng vẻ và ít được chú ý.

Tại Nhật Bản

Vườn Thiền Nhật Bản tạị Komyozenji

Nói một cách đại khái, nghệ thuật Nhật bản chịu ảnh hưởng của Thiền tông sâu rộng hơn so với Trung quốc, tất cả mọi linh vực như hội họa, hát tuồng, nghề làm vườn(vườn Thiền), trà đạo, kiến trúc, kịch nghệ, kiếm đạo, nghề bắn tên, cắm hoa... đều thấy có sự ảnh hưởng của Thiền. Văn hóa Thiền được truyền vào Nhật bản từ thời kỳ Liêm Thương, và dung hợp với tư tưởng Vũ gia Nhật Bản và thu hút được sự quan tâm và tiếp nhận của quần chúng.

Nền mĩ thuật cuối thời Liêm thương đến đầu thời Thất đinh thì lấy hội họa làm chính. Mĩ thuật Thiền tông ở thời kỳ đầu lấy chân dung các Tổ sư, những nhân vật tông giáo và Đính tướng họa (vẽ hình tượng các vị cao tăng Thiền tông) làm chủ yếu.

Từ thời Liêm thương về sau, một loại Thiền cơ họa dần dần thịnh hành, tức đem cái Thiền cơ mà mình đã thể ngộ được vẽ lên bức tranh để tạo hình hóa và cụ thể hóa cái tinh thần của Thiền; đồng thời, từ trong tự nhiên quan và sinh hoạt của Thiền tông dần dần diễn dịch thành một loại tranh sơn thủy mới, tức sử dụng màu mực và đường nét đơn giản và dùng kĩ xảo không bạch (khoảng trống) để ngụ ý cảnh của Thiền trong bức tranh mộc mạc, đơn sơ. Lại vì chịu ảnh hưởng cách vẽ một góc của nhà hội họa Mã viễn đời Nam Tống, Trung quốc, nên đã hình thành đặc trưng của một loại hội họa so le không đều, không câu nệ hình thức mà về sau đã trở thành dòng chính của nghệ thuật Thiền tông Nhật bản.

Thiền sư Minh Am Vinh Tây là người đầu tiên đem giống trà ở Trung Quốc về Nhật Bản và trồng tại chùa mình. Sư cũng là người viết cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" nói về việc uống trà và lợi ích của nó đối với sức khỏe, tu luyện tinh thần. Trà Đạo trở thành một phần chính của nền văn hóa Nhật Bản với sự dung hợp các triết lý của Thiền tông, và là nét sinh hoạt tự nhiên trong đời sống người dân Nhật Bản.

Bức họa Bố Đại đi thuyền của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc

Trong nghệ thuật kịch nói truyền thống thì những lời đối thoại ngắn gọn, trong sáng, sân khấu và bối cảnh đơn thuần cũng đều ngầm bao hàm triết lí Thiền. Đối với văn học hát bộ nổi tiếng lại càng có ảnh hưởng sâu xa của Thiền, đại biểu là tác phẩm của Ba tiêu-một thi nhân vĩ đại sống vào thế kỉ XVII. Ngoài ra như kiếm đạo, kiến trúc, nghệ thuật bắn tên...cũng thế, hễ nghệ thuật nào được sự khơi mở của Thiền thì đều do đặc tính của chính nghệ thuật ấy mà biểu hiện sự sống động và hoạt bát.

Xem thêm: Trà Đạo Nhật Bản, Vườn Nhật